Bộ trưởng Xây dựng: 'Không cầm tay chỉ việc doanh nghiệp'

Bộ trưởng Xây dựng: 'Không cầm tay chỉ việc doanh nghiệp'
Ngày đăng: 08/01/2024 09:36 AM

Tại buổi tổng kết 55 năm ngành xây dựng ngày 24/4, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái toàn cầu. Kinh tế trong nước buộc phải cấu trúc lại, cắt giảm đầu tư công dẫn đến ngành xây dựng bị ảnh hưởng. Thị trường bất động sản hiện đóng băng không chỉ ảnh hưởng đến thị trường tài chính tiền tệ, tăng trưởng kinh tế mà còn khiến nhiều lĩnh vực khác như sản xuất thép, nội thất suy giảm, đời sống của người làm xây dựng khó khăn. "Tất cả người dân bị thiệt thòi khi kinh tế suy giảm. Vì vậy cần khắc phục khó khăn của thị trường bất động sản", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Xây dựng cho biết, trong vòng 10 năm từ 1999 đến 2009, số lượng nhà ở đã được tăng gấp đôi, nhưng nhà ở cho người nghèo, thu nhập thấp ở đô thị còn khó khăn, một bộ phận vẫn ở trong ngôi nhà chật chội. Do đó, sắp tới, Bộ sẽ tăng cường quản lý đô thị theo quy hoạch, kế hoạch để khắc phục tình trạng phát triển tự phát đồng thời giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: Hoàng Lan

Địa ốc khó khăn, Quốc hội và Chính phủ yêu cầu phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản với nguyên tắc cân đối cung cầu cùng thực hiện chiến lược phát triển nhà ở, trong đó đặc biệt phát triển nhà ở xã hội. Vừa qua, Chính phủ đã có gói tín dụng hỗ trợ cho người mua nhà, thuê nhà và thuê mua nhà cho người nghèo.

"Đất nước phát triển thì vẫn phải có những gói tín dụng với lãi suất thấp để hỗ trợ cho người nghèo nhằm tăng cầu cho nền kinh tế. Kinh tế tăng trưởng từ đó tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản", ông Dũng nhìn nhận.

Theo số liệu Bộ Xây dựng, tính đến 31/12/2012, tổng số doanh nghiệp ngành xây dựng đang hoạt động là gần 56.000, tăng hơn 7.000 đơn vị so với năm trước. Tổng số doanh nghiệp có lãi là 37.197, trong khi năm 2011 con số này hơn 33.300. Số đơn vị kinh doanh thua lỗ là 17.000 doanh nghiệp, tăng hơn 2.000 so với năm 2011.

Tổng số doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc giải thể là 2.637, trong đó có 2.110 doanh nghiệp xây dựng, 527 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. So với năm 2011, tỷ lệ doanh nghiệp xây dựng dừng hoạt động, giải thể tăng 6,2%, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tăng 24,1%.

Theo Bộ trưởng Xây dựng, hiện doanh nghiệp xây dựng, nhất là các đơn vị nhà nước đang khó khăn về việc làm, hiệu quả kinh doanh và phải đối mặt với nợ xấu. Ngành xây dựng đang thừa thầy thiếu thợ, do đó, sắp tới Bộ sẽ ăng cường công tác quản lý doanh nghiệp tránh hiện tượng thất thoát vốn Nhà nước.

Doanh nghiệp Nhà nước được Bộ quản lý với tư cách đại diện chủ sở hữu pháp nhân. "Bộ quản lý về cán bộ và hiệu quả làm ăn, riêng hạch toán thì doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm, Bộ không cầm tay chỉ việc", ông Dũng thẳng thắn.

Hoàng Lan

Map
Zalo
Hotline